1. “Nhịp sống” tại căn nhà mái tôn lụp xụp, thủng lỗ chỗ ở tổ 3, khối phố Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) là những âm thanh lạch cạch phát ra từ chiếc máy may cũ kỹ. Chị Nguyễn Thị Liễu (45 tuổi, mẹ em Lương Thị Bích Thùy) cho biết: “Mấy bữa nay tranh thủ nhận thêm vải về may khẩu trang bỏ hàng cho khách đặng lấy tiền cho đứa con gái thứ hai chuẩn bị vào đại học”.
|
Bích Thùy trong căn nhà tạm. |
Tiếp nối cô chị đang học đại học tại Đà Nẵng, cô em Bích Thùy (lớp 12/13) vừa đỗ thủ khoa Khoa Y dược Đại học Đà Nẵng với 21 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên); ngoài ra Thùy còn đậu Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Cao đẳng Kinh tế đối ngoại (TP.Hồ Chí Minh) với số điểm lần lượt là 24,5 và 29 (chưa cộng điểm ưu tiên). 12 năm liền Thùy là học sinh giỏi và là tấm gương điển hình cho tinh thần vượt khó của Trường THPT Sào Nam.
Chị Liễu trước đây làm nghề bốc vác “có tiếng” ở khu này. Ai kêu đâu làm đó, quần quật cả ngày lẫn đêm. Nhưng rồi chị mắc bệnh tim, cuối năm 2013 ra Huế phẫu thuật nên sức khỏe suy yếu dần. “Cái máy may này là chị ở xóm trên cho để tui có việc làm; ngày cố gắng may gia công 100 chiếc, kiếm được 30 nghìn đồng” - chị nói tiếp. Chạy vạy tiền chữa bệnh, nợ ngân hàng, mượn trong vay ngoài cho đứa đầu học đại học, tiền nợ gần cả trăm triệu đồng. Nay tiếp đứa thứ hai vào đại học rồi còn thằng út lên lớp 9, chị Liễu mừng mà lo, lại xòe bàn tay tính nhẩm số ngày công của chồng. Chị tâm sự: “Ba tụi nhỏ phụ nghề mộc ở tận bên Lào, năm về 1, 2 lần. Vì chủ là người ở thị trấn này nên cứ tính ngày công rồi đến nhà họ lấy tiền cho sắp nhỏ ăn học”.
Ông Phạm Hữu Viên - Tổ trưởng tổ 3, khối phố Phước Mỹ 2 (thị trấn Nam Phước) chia sẻ: “Đây là gia đình thuộc hộ nghèo của địa phương nhiều năm nay, thu nhập bấp bênh không biết lấy tiền đâu cho 3 đứa con ăn học. Mỗi lần chị em cháu Thùy đi thi đại học, bà con trong xóm đều động viên các cháu. Sắp tới, chúng tôi sẽ vận động các chi hội như phụ nữ, cựu chiến binh… để xem giúp các cháu được chừng nào quý chừng nấy!”.
2. Xuôi về thôn Hà Mỹ (xã Duy Vinh), khắp làng trên xóm dưới đều rỉ tai nhau khi hay tin “Bình mồ côi” thi đỗ 2 trường đại học. Em là Nguyễn Văn Bình (lớp 12/4), vừa thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Nông lâm Huế với số điểm lần lượt là 23 và 21,5 (chưa cộng 1,5 điểm ưu tiên).
Ba mất trong một tai nạn giao thông khi em đang học lớp 7, là anh cả nên Bình luôn phấn đấu học hành để làm gương cho các em. Mẹ Bình là chị Huỳnh Thị Linh (41 tuổi) phải dậy từ 4 giờ sáng lấy cá về bán dạo, buổi chiều tranh thủ dệt chiếu kiếm thêm thu nhập. Dáng người thấp nhỏ, non choẹt nhưng bao nhiêu khổ nhọc cậu học trò này cũng đã “thấm” bởi em thấu hiểu được nỗi cơ cực khi nhà “thiếu nóc”. Bình tâm sự: “Khi các trường báo điểm, em mừng bao nhiêu thì cũng bấy nhiêu nỗi lo ùa về bởi gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Biết vậy nên em xin theo chú phụ hồ với hy vọng kiếm được đồng nào hay đồng nấy”.
“Từ trước đến nay, những tấm gương đỗ thủ khoa đại học của trường phần lớn đều xuất thân từ con nhà nông, gia cảnh nghèo khó. Năm này cũng vậy, có nhiều học trò đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh như em Bích Thùy, em Bình… để bước vào giảng đường đại học, là tấm gương cho các thế hệ học trò mai sau”.
(Thầy Phạm Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Sào Nam) |
Ba năm học phổ thông, Bình được cô Trương Thị Mỹ Nga - cán bộ thư viện Trường THPT Sào Nam nhận nuôi ăn ở miễn phí. Cuối tuần, em đạp xe về nhà phụ giúp mẹ dệt chiếu và việc nhà. Cô Mỹ Nga tâm sự: “Ba năm cưu mang em ăn học, tôi hiểu em có lòng tự trọng rất cao, luôn ý thức gia cảnh và nỗ lực vươn lên không ngừng. Nhiều lúc muốn giúp đỡ hay cho tặng một thứ gì phải khéo léo, bằng không em không nhận”.
Bình và em gái năm nay lên lớp 10 từng được nhận học bổng “Bạn tôi - người vượt khó” do Báo Tuổi trẻ tổ chức. Ngoài ra, trong các năm học phổ thông, Bình còn được nhận nhiều học bổng về tình thần vượt khó hiếu học. “Những suất học bổng là nguồn động viên rất lớn để em tiếp tục theo đuổi con đường học vấn của mình” - Bình nói.
Giảng đường đại học đang rộng mở và các em cần lắm những điểm tựa để viết tiếp những ước mơ.