Chi tiết tin

A+ | A | A-

Yên tâm giữ rừng

Người đăng: Admin Tam Mỹ Đông Ngày đăng: 0:00 | 11/08/2014 Lượt xem: 72

Từ các dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân miền núi vừa được hưởng lợi trực tiếp, vừa có trách nhiệm bảo vệ và phát triển vốn rừng tự nhiên.

Hàng loạt chính sách lớn của Nhà nước như chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ, đầu tư phát triển rừng đặc dụng theo Quyết định số 24/QĐ-TTg, ngày 1.6.2012 của Thủ tướng Chính phủ... gần đây đã mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho các địa phương miền núi. Cụ thể, tiền hỗ trợ trao tận tay hàng quý, năm; không gian sinh kế cho đồng bào được mở rộng; người dân được tiếp cận với các cách thức, mô hình phát triển kinh tế bản địa, dần thay đổi thói quen làm ăn lạc hậu... Với sự ràng buộc chặt chẽ về các hành lang pháp lý, người dân không thể thờ ơ với khoảnh rừng đã được Nhà nước giao, khoán trắng. Mặc dù vẫn còn khá mới mẻ, nhưng người dân miền núi đã bắt đầu làm quen với những khái niệm về quyền lợi và trách nhiệm dân sự khi nhận các hợp đồng giao khoán, bảo vệ rừng. Theo báo cáo của ngành kiểm lâm, tính đến cuối tháng 7, thông qua dịch vụ chi trả môi trường rừng, toàn tỉnh có 231 nhóm hộ gia đình với 4.384 hộ thuộc các xã huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Đại Lộc, Nông Sơn và Phú Ninh được nhận giao khoán bảo vệ 54.536ha rừng. Chưa kể, cộng đồng dân cư trong vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã được hưởng lợi đầu tư phát triển vốn rừng đặc dụng. Trong khi đó, cán bộ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học thì đã phủ xanh 65ha rừng nghèo tại vành đai thủy điện Sông Bung 4 đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thêm nữa, dự án CarBi thí điểm tại hai huyện Đông Giang và Tây Giang đã góp phần cải thiện sử dụng bền vững rừng tự nhiên trên cơ sở phục hồi hành lang rừng và tạo sinh kế, việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, dự án này đã tài trợ mở tài khoản ngân hàng lên đến tiền tỷ cho hàng trăm hộ dân nơi đây có vốn trồng rừng và bảo vệ gần 30 nghìn héc ta rừng tự nhiên.

Khi được Nhà nước giao khoán rừng cụ thể trên thực địa, người dân an tâm chăm sóc, bảo vệ.
Khi được Nhà nước giao khoán rừng cụ thể trên thực địa, người dân an tâm chăm sóc, bảo vệ.

Từng chính sách, chương trình, dự án tạo điều kiện tốt nhất để người dân an tâm giữ rừng đã có tác dụng theo kiểu... mưa dầm thấm lâu. Theo ông Từ Văn Khánh – Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh), diện tích rừng đã có chủ, đặc biệt chủ rừng là nhóm hộ, mấy năm gần đây gần như không xảy ra nạn xâm hại tài nguyên rừng. Trước đây, năm nào “giặc lửa” cũng thiêu rụi hàng trăm héc ta rừng phòng hộ, đặc dụng mà “thủ phạm” chính được xác định là người dân tùy tiện sử dụng lửa. Thế nhưng, mùa khô năm nay, toàn tỉnh chỉ thiệt hại gần 9ha rừng trồng, không bị cháy rừng phòng hộ, đặc dụng đã giao khoán, bảo vệ cho dân. “Đồng bào bây giờ đã chuyển biến rõ rệt trong nhận thức bảo vệ rừng. Họ an tâm giữ và phát triển vốn rừng vì thấy được lợi ích trước mắt lẫn lâu dài. Thời gian đến, hàng loạt mô hình trồng cây, nuôi con dưới tán rừng tự nhiên; các hình thức đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm từ các dự án khả thi sẽ giúp đồng bào có thể lấy rừng nuôi rừng được...” – ông Khánh nói.

Tác giả: Hạnh Lê

Nguồn tin: Theo Báo quảng Nam

Các tin mới hơn:

Chuyên mục

TÌNH HÌNH XỬ LÝ HỒ SƠ

TRA CỨU VĂN BẢN

Thăm dò ý kiến

Để tiến tới 1 nền hành chính phục vụ nhân dân thì làm công việc nào trước?

Liên Kết Web